Cần có giải pháp tiết kiệm trong sử dụng nguồn nguyên liệu của nhiệt điện

(Xây dựng) - Theo dự kiến, khai thác than cho giai đoạn sau năm 2035, quy mô cung cấp than trong nước cho điện chỉ tối đa ở mức 39,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 2035 - 2045. Với quy mô này, than trong nước chỉ có thể cấp cho gần 14 GW nhiệt điện than nội là hiện hữu.

Những năm gần đây, việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng than tồn trong kho than các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục.

Các nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc chuẩn bị vào vận hành như Thái Bình 2, Hải Dương, Nam Định I đều phải sử dụng than trộn, trong đó phần lớn là than nhập khẩu. Các nhà máy điện than nội ở miền Nam (Vĩnh Tân II, Duyên Hải I) cũng cần xem xét sử dụng than trộn trong giai đoạn tới.

Những năm gần đây, việc cấp than cho các nhà máy điện cũng gặp nhiều khó khăn, lượng than tồn trong kho than các nhà máy điện ở mức thấp kỷ lục.

Vào năm 2018, nhiều nhà máy không đủ than để vận hành, đã có những thời điểm phải giảm công suất huy động hoặc ngừng dự phòng bớt các tổ máy, như trường hợp của các nhà máy Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghi Sơn. Trong đó điển hình là Quảng Ninh có những thời điểm phải ngừng 2/4 tổ máy do thiếu than. Các loại than dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện trong nước gồm: Cám 4b, cảm 5a, cám 5b, cám 6a, cám 6b, cám 7 và cám không phân loại.

Theo “Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, 2019, MOIT”, tổng sản lượng than trong nước có thể cấp cho điện trong các năm 2020, 2025, 2030 tương ứng là 35 triệu tấn, 36,3 triệu tấn và 39,8 triệu tấn.

Nhu cầu than cho sản xuất điện đã liên tục tăng, từ 24 triệu tấn năm 2015 lên 40 triệu tấn năm 2018 (tăng 67%). Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 52 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 40 triệu tấn. Khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện của TKV và TCT Đông Bắc hiện nay chỉ 35 triệu tấn (bằng -88% tổng nhu cầu) nên phải nhập khẩu và pha trộn than để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ. Trong các năm tới, nhu cầu than antraxit sẽ tiếp tục tăng cao khi một số nhà máy mới vào vận hành như: Na Dương II, Hải Dương, Thái Bình 2, An Khánh - Bắc Giang, BOT Nam Định I.

Như vậy, tổng sản lượng sản xuất than sạch trong nước không nhiều, trong khi những năm tới nhu cầu sử dụng than của các ngành công nghiệp ngày càng tăng nên việc nhập khẩu than là tất yếu.

Do đó, Việt Nam có thể nhập khẩu than ngày càng nhiều từ các nước Indonesia, Australia, Nam Phi và Nga. Trữ lượng than thế giới còn lớn (có thể khai thác 130 năm nữa với mức tiêu thụ hiện tại), trong khi tốc độ tăng trưởng nhu cầu than thế giới trong giai đoạn tới là khá thấp, không cao như nhu cầu khí.

Theo kinh nghiệm nhập khẩu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc (nhập khẩu hàng năm từ 120-180 triệu tấn than) thì tỷ lệ giữa việc nhập khẩu than từ đầu tư (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và nhập khẩu than theo hợp đồng thương mại khoảng 50/50. Vì vậy, để đảm bảo nguồn than cung cấp lâu dài và ổn định cho các nhà máy nhiệt điện than, việc nhập khẩu than cần thiết phải gắn liền với đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài.

Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc thì tập trung chủ yếu vào các đơn vị có tiềm lực tài chính, có cơ sở hạ tầng bến cảng, kho bãi đảm bảo môi trường, trong đó bao gồm các đơn vị tiềm lực lớn như TKV, EVN, PVN, TCT Đông Bắc và các chủ đầu tư nhà máy điện, nhà máy xi măng lớn và các đơn vị kinh doanh thương mại đáp ứng các điều kiện về kinh doanh than.

(Theo Baoxaydung.com.vn - Mộc Miên)

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên